Đầu Tư Chuyên Nghiệp và Nghiệp Dư: 1 hay 0?

0
1056

Đầu tư chuyên nghiệp có phải là khó? Bitcoin lên x3, và mới giảm 1 chút, chứng khoán lên x2 và mới giảm 1 chút. Vậy mà sao vẫn có bạn nhắn tin chia sẻ là bị Lỗ?

Đầu tư chuyên nghiệp và đầu tư nghiệp dư.

Những người đã từng tham gia thị trường tài chính như chứng khoán, ngoại hối, tiền điện tử đặc biệt là phái sinh có lẽ đều cảm nhận được một thực tế rất khó hiểu. Thực tế đó có vẻ như là: Những ngày đầu khi vừa mới tham gia vào thị trường đều thấy rất dễ dàng kiếm lời, nhưng càng về sau lại càng thấy khó khăn hơn. Liệu có phải thị trường khắc nghiệt hơn hay không, hay là “cờ bạc đãi tay mới” ?

Dau-Tu-Chuyen-Nghiep-Hay-Co-Bac-Dai-Tay-Moi
Ví dụ về lợi nhuận: Nhà Đầu Tư Chuyên Nghiệp hay Một Newbie Dạng Cờ Bạc Đãi Tay Mới?

Rất có thể, một phần là thị trường đã phát triển hơn, khó khăn hơn, nhưng có một thực tế là các nhà đầu tư không chuyên (mới tham gia vào thị trường) lại thường gặt hái được thành quả rất tốt. Và có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những hành vi của các nhà đầu tư nghiệp dư này hóa ra lại rất gần và giống với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, lão luyện. Chính điều này đã khiến cho hầu hết những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường đều có được những kết quả hết sức thuận lợi.

Chúng ta hãy cùng xem xét kỹ các khía cạnh của thực tế “rất lạ” này.

Câu chuyện về lợi nhuận.

Trước hết đó là hành động tập trung nhìn vào lợi nhuận, các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường thường xuyên tập trung nhìn vào lỗ lãi. Chính vì thế họ cắt lỗ và chốt lời rất nhanh và quyết tâm, không chần chừ. Điều này rất giống với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, những người này thường không để cảm xúc xen lẫn vào các quyết định chốt lời hay cắt lỗ, nên họ thực hiện rất nhanh chóng và quyết liệt, tuân thủ theo nguyên tắc đã được đề ra.

Những nhà đầu tư nửa nghiệp dư, nửa chuyên nghiệp lại không làm được điều này. Họ thường xuyên chần chừ trước các quyết định, tiếc nuối khi chốt lời và run rẩy khi cắt lỗ. Điều này khiến cho suy nghĩ của họ liên tục thay đổi, tâm lý bị xáo trộn, thiếu ổn định, dẫn đến não bộ không đạt trạng thái tốt nhất và kết quả dẫn đến những hành động sai lầm. Nếu cho những người này nhìn kỹ lại, thì những hành vi của họ thậm chí còn tệ hơn một nhà đầu tư vừa mới bước chân vào thị trường một vài tháng.

Tư duy đúng sai.

Thứ hai là không cố gắng chứng minh mình đúng. Những nhà đầu tư bán chuyên thường xuyên sa vào suy nghĩ thị trường đang sai, còn mình thì đúng. Thực tế đó là thị trường không bao giờ sai, chỉ có bạn là sai mà thôi. Hầu hết các nhà đầu tư không chuyên đều cố gắng lướt sóng ngắn hạn chứ không nắm giữ dài hạn. Thế nhưng phần nhiều trong số này lại chuyển từ lướt sóng sang đầu tư dài hạn khi giá cổ phiếu giảm.

Điều này rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc lướt sóng ngay từ điểm đầu tiên, đó là nắm giữ ngắn hạn, nếu thua lỗ phải dừng ngay lập tức. Những nhà đầu tư mới vào thị trường lại làm được việc này rất tốt, họ cho rằng mình chưa có nhiều hiểu biết, vì thế thừa nhận mình sai và cắt lỗ nhanh chóng. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì khi đã lướt sóng họ đã xác định rõ khoảng thời gian nắm giữ và kỳ vọng, nếu không đạt được kỳ vọng thì phải dừng lại vì đó là lướt sóng ngắn hạn, còn khi nắm giữ dài hạn thì họ lại có những phân tích khác, mua những cổ phiếu hoàn toàn khác.

Chap-Nhan-Sai-Va-Sua-Sai
Nhà Đầu Tư Chuyên Nghiệp: Chấp Nhận Mình Sai Và Sửa Sai.

Cả hai lớp nhà đầu tư này gặp nhau ở điểm đều không cố gắng chứng minh mình là đúng, trái ngược với lớp nhà đầu tư bán chuyên, sau khi có được một số kinh nghiệm thì luôn có suy nghĩ mình đã dự đoán chính xác và thị trường đang rất sai. Lớp nhà đầu tư này sẽ phải gánh chịu những khoản thua lỗ khổng lồ từ sự “đúng” đó của mình, một kết quả đau thương dù rằng đã có nhiều kinh nghiệm hơn những người mới nhập cuộc.

Nhiễu tin tức đầu tư

Cuối cùng đó là không quá quan tâm đến tin tức và các bài phân tích. Thị trường hằng ngày có rất nhiều thông tin cũng như các phân tích khác nhau của các nhà đầu tư (forums, chat rooms, công ty chứng khoán, các kênh tín hiệu, các nhóm fan pages của dự án, của sàn giao dịch …). Những phân tích này nhiều lúc làm nhà đầu tư bị ảnh hưởng tâm lý, cũng như rối loạn trong quyết định đầu tư.

Thế nhưng với lớp những nhà đầu tư mới tham gia thì họ lại chẳng hề hay biết đến những “tư vấn” này, còn với những nhà đầu tư già rặn thì họ lại chẳng hề quan tâm đến chúng, vì họ biết thừa giá trị của những phân tích này là thế nào. Chính vì thế đọc quá nhiều tin tức, nghe quá nhiều tư vấn, sẽ chỉ có hại nhiều hơn là có lợi.

Các nhà đầu tư cần phải biết chọn lọc thông tin, tránh việc bị nhiễu loạn cũng như xáo trộn tâm lý khi nghe các tin đồn từ thị trường.

Đánh giá rủi ro đầu tư chuyên nghiệp

Tuy nhiên giữa nhà đầu tư mới tham gia và nhà đầu tư chuyên nghiệp tồn tại những điểm khác biệt quan trọng đó là, đánh giá được rủi ro, tiên liệu tình huống xấu xảy ra và có phương án dự phòng. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn có sẵn phương án dự phòng cho tình huống xấu xảy ra và tuân theo phương án ấy.

Còn những nhà đầu tư nghiệp dư thường không hề nghĩ đến việc này, khi mua cổ phiếu họ chỉ nghĩ về lợi nhuận chứ không hề chuẩn bị cho những tình huống xấu ập đến. Sự khác biệt này khiến cho những chiến thắng của các nhà đầu tư nghiệp dư không ổn định, cũng như khiến họ dễ dàng mất đi những lợi thế của người mới nhập cuộc (như trên chúng ta đã phân tích). Để rồi sau đó họ lại trở thành những người bán chuyên, loay hoay trong thị trường, với những ngày tháng thua lỗ triền miên.

Tóm tắt lại, giữa nhà đầu tư mới tham gia và nhà đầu tư lão luyện tồn tại rất nhiều điểm tương đồng. Điều này giúp cho mọi nhà đầu tư đã từng tham gia thị trường đều được trải qua một giai đoạn “trăng mật” hết sức ngọt ngào của buổi đầu chập chững làm quen. Thế nhưng mục đích cuối cùng của đầu tư đó là trở thành một người sành sỏi, lão luyện và chuyện nghiệp.

Vì thế hiểu được tố chất của một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ giúp chúng ta rèn luyện được những hành vi đúng đắn hơn, để từ đó trở thành người chiến thắng lâu dài trong thị trường.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here